Review Sách Hay

Quê Nội – Tác giả: Võ Quảng

Que Noi Tac Gia Vo Quang

Quê Nội – trang viết đầy hoài hiệm về tuổi thơ, thấm đẫm tinh thần cách mạng và chứa chan tình yêu quê hương đất nước.
Quê Nội mở đầu bằng những trang viết ngọt ngào, trong trẻo với tiếng gà rộn rã buổi sớm mai, trong tiếng hô tập tự vệ dõng dạc, những trò chơi tưng bừng của tuổi thơ, nơi những đứa trẻ chăn trâu “xuất quân” trong trò trận giả đầy hào hứng. Chỉ có tiếng gà gáy sáng thôi mà tác giả viết thật tài tình. Gần chục tiếng gà, gần chục nhân vật “gà” xuất hiện mà mỗi con một dáng dấp, tính cách khác nhau, không thể nhầm lẫn và mang luôn dấu ấn, cũng là lời giới thiệu đầy đủ chủ nhân chúng sẽ xuất hiện trong tác phẩm. Mạch truyện nối tiếp bằng những trò nghịch ngợm theo bước chân của Cục và Cù Lao, 2 đứa trẻ như được “khai sinh từ cách mạng”. Mỗi bước chân chúng đi, mỗi câu chuyện chúng kể đều rõ nét, sinh động về những cuộc đời của người dân đất Quảng Nam hồn hậu, chịu thương chịu khó, ấm áp tình nghĩa đồng bào. Tôi đọc say mê những trang sách vừa thân quen vừa lạ lẫm, chẳng một chút nóng lòng rằng hai đứa trẻ sẽ dẫn mình đến những đâu. Cảnh làng quê êm đềm, gần gũi nhưng cũng rất riêng có, đặc trưng nơi nông thôn Trung Bộ, nơi làng Hoà Phước hiền hậu mà kiên cường nép bên dòng Thu Bồn “nước trong leo lẻo”. Cảnh cả xóm rộn ràng đến giúp chị Bốn Linh làm tằm khi anh Bốn bận đi việc nước tràn đầy sức sống và niềm hân hoan, cảnh 2 đứa trẻ vận động ông Bốn Rị và bà Hiến tham gia diệt giặc dốt khiến tôi cực kỳ phấn khích; hình ảnh lên ghềnh xuống thác lại khiến tôi hồi hộp đến thắt ruột gan… Đó là những trang viết đầy nghĩa tình, đầy kiến thức thực tế mà không bằng sự quan sát tỉ mỉ, không bằng trái tim chan chứa tình yêu thì chẳng cách nào viết ra được thành lời với giọng văn hóm hỉnh và đầy tinh tế về tâm lý nhân vật như thế.
Đọc Quê Nội, tôi ấn tượng đặc biệt với tình bạn của Cục và Cù Lao – 2 nhân vật có vai trò dẫn dắt người đọc đến những câu chuyện, những mảnh đời, những sự kiện của người dân vùng Hoà Phước.
Cục và Cù Lao 2 đứa trẻ tầm độ tuổi thiếu niên của miền quê Trung Bộ, chúng không lớn lên cùng nhau, thậm chí còn trêu chọc, chế giễu nhau, gọi nhau là “mọi” trong lần đầu gặp gỡ. Sau này, với mối quan hệ họ hàng, làng xóm, 2 đứa dần trở lên thán thiết và trở thành tri kỷ. Ban đầu tình bạn ấy là những trò nghịch ngợm tuổi thơ, là những buổi chăn trâu, cưỡi trâu đánh trận đến u đầu… Theo thời gian, chúng có những chuyến “công cán” bên nhau, cùng nhau vượt qua những gian khổ và hiểm nguy trong thời kỳ đổi mới của đất nước và càng hiểu nhau, trân quý nhau hơn. Chỉ trừ thời gian Cù Lao đi làm nhiệm vụ ở Đà Nẵng (trong nỗi buồn của Cục) thì ở tình huống nào cũng xuất hiện cả 2: từ lên thác xuống ghềnh, từ công cuộc diệt giặc dốt đến những nhiệm vụ quan trọng và bí mật. Chúng giữ được bí mật với mọi người nhưng cứ gặp nhau là ào ào kể chuyện, chẳng thể giấu nhau bất cứ điều gì. Ở bên nhau, Cục và Cù Lao đã giúp đỡ nhau, động viên nhau cùng trưởng thành, cùng tiến bộ và đã viết lên một câu chuyện tuyệt vời về tình bạn.
Tình bạn, với tôi là một thứ tình cảm vô cùng cao đẹp. Nó không giống với những mối quan hệ ràng buộc, gắn bó với nhau bằng huyêt thống, máu thịt theo lẽ tự nhiên. Tôi luôn cho rằng tình bạn là mối quan hệ gần gũi vô tư, trong sáng nhất, được nuôi dưỡng bằng sự tin tưởng, sẻ chia, thử thách bằng thời gian và sự chân thành. Có lẽ bởi, tôi may mắn có được một tình bạn giản đơn như thế suốt hơn 20 năm qua, thế nên khi đọc về tình bạn của Cục và Cù Lao, tôi thật sự xúc động và như bắt gặp chút bóng hình của mình trong đó, thấy trong cuốn sách có lời nhắc nhở mình trân quý tình bạn mình có trong đời.
Đọc Quê nội, người đọc dễ dàng bắt gặp tinh thần cách mạng sục sôi và gấp rút. “cách mạng lên rồi” là câu cửa miệng, được nhắc đi nhắc lại với biết bao yêu thương tự hào từ miệng của các ông bà thất thập, những chú bác trung niên hào sảng, những anh chị thanh niên nhiệt huyết hay nhiều hơn cả là từ đám con nít luôn hóng chuyện người lớn. Cách mạng lên với biết bao hi vọng về một tương lai huy hoàng và rực rỡ, nơi không còn phải lo chạy ăn, nơi những hủ tục mê tín được bỏ lại, nơi kiến thiết những công trình vĩ đại, nơi cuộc sống rộn rã tiếng cười. Phải nói rằng, công tác tuyên truyền, tư tưởng đã được làm thật tốt ở vùng Hoà Phước này. Với lòng tin tưởng, trung thành sắt đá, những con người nơi đây đã dấn thân vào cuộc cách mạng đầy gian khổ mà lòng tràn ngập lý tưởng. Ở Quê Nội, Võ Quảng không sa đà vào những cuộc chiến đấu, về nỗi đau của chiến tranh, ông viết về những tấm lòng sắt son, vững tin, vững lòng theo cách mạng, viết về những công tác âm thầm và quyết liệt để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của đất nước. Xúc dộng biết bao nhiêu khi đọc cảm xúc của Cục sau “cách mạng lên”: “Suốt năm 1946 là mùa xuân. Mùa xuân như kéo dài đến tháng Mười. Mùa mía đường đã qua, tôi chưa thấy mùa mía đường nào ngọt bằng mía năm đó. Đến mùa tơ tằm, tôi chưa từng thấy sợi tơ nào mượt mà bằng sợi tơ năm đó. Ngô nướng có một vị ngọt khác thường… Và thật kỳ diệu! Núi non bỗng sáng lên rời rợi. Cỏ cây dọc đường rung lên, reo vui, trò chuyện”.
Võ Quảng viết Quê Nội bằng ngòi bút dịu dàng và tha thiết nhất của tình yêu làng quê, yêu đất nước. Thứ tình yêu màu nhiệm ấy chảy đều khắp trong huyết quản của mỗi người dân Hoà Phước: đó là khát khao đổi mới, kiến thiết làng quê khi “cách mạng lên rồi”, là hăng hái gạt bỏ những thứ cổ lỗ, lạc hậu để vươn mình đến những cảm xúc mới mẻ và tươi tắn, là hết lòng giúp đỡ nhau trong khó khăn, đặc biệt với những gia đình có người làm công việc “nhà nước”, là khát khao được cống hiến, góp sức cho cộng đồng. Mộc mạc, tự nhiên, Võ Quảng viết những đoạn văn thật đẹp đẽ, sinh động, đọc lên như có thơ có hoạ: “Con sông Thu Bồn ở đoạn trên này tính nết khác hẳn. Nó không khoan thai, hiền lành như tôi thường thấy ở Hoà Phước. Nó vung vẩy, nhảy nhót, chốc chốc chơi trò nhào lộn. Những con sóng lực lưỡng quất thẳng cánh vào vách đá dựng ngược. Chúng nhảy chồm tung bọt, gào rống rồi kéo nhau vụt chạy.”
Võ Quảng sinh năm 1920, mất năm 2007.. Ông viết nhiều, cả thơ và truyện ngắn cho thiếu nhi. Thơ và văn của ông đều súc tích, giàu nhạc điệu, mộc mạc và bình yên đến lạ lùng, khiến trẻ em hân hoan, rộn rã và người lớn được tìm về với những yêu thương đầy hoài niệm tuổi ấu thơ, đúng như những gì ông chia sẻ “Viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của tôi”, cả sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã dành “những gì tốt đẹp nhất, tinh khiết nhất” cho thiếu nhi với tất cả tấm lòng yêu thương, trìu mến. Đã hơn 10 năm kể từ ngày ông đi xa, nhưng những tác phẩm của ông vẫn luôn là những ngôi sao lấp lánh của dòng văn học thiếu nhi Việt Nam.
@Hồng Khánh

Để lại một bình luận