Review Sách Hay

Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất – Tác giả: Jonas Jonasson

Ong Tram Tuoi Treo Qua Cua So Va Bien Mat Tac Gia Jonas Jonasson

Chắc hẳn mọi người đang thắc mắc tại sao mình lại viết review về cuốn “Ông trăm tuổi nhảy qua cửa sổ và biến mất” trong khi hastag của tuần này là Tuổi Trẻ, Du Ký và Một Mình đúng không? Đọc qua tên của cuốn sách thì có vẻ không liên quan lắm, nhưng khi đọc rồi thì nó thực sự là một cuốn sách dành cho những tín đồ sách du ký đấy!
Mở đầu cuốn truyện là cảnh cụ Allan Karlsson chán nản với cuộc sống tẻ nhạt, vô vị ở trong nhà dưỡng lão. Vào ngày sinh nhật thứ 100 của cụ, cụ đã nhảy qua cửa sổ của nhà dưỡng lão, dẫm bẹp mấy cây hoa dâm bụt với đôi dép gỗ đi trong nhà và bắt đầu chuyến chu du của cụ. Từ một chuyến chu du đầy ngoạn mục của cụ thì trớ trêu thay, cụ vớ được cái vali 50 triệu crown và trở thành một cuộc tẩu thoát.
Và tất nhiên toàn bộ cuốn sách không chỉ nói về cụ Allan Karlsson 100 tuổi mà còn nói về chàng trai Allan Karlsson ưa mạo hiểm và phó mặc số phận của mình cho đời. Thay vì việc viết về một nhân vật từ lúc còn trẻ cho tới khi già như bao câu truyện khác, ngài Jonas Jonasson – tác giả lại lồng hai câu chuyện của Allan Karlsson vào nhau: một câu chuyện về chàng trai Allan Karlsson đi chu du khắp mọi miền, một câu chuyện phiêu lưu của cụ Allan trong ngày sinh nhật thứ 100. Cả hai câu chuyện đều đặc sắc, nhưng vì chủ đề tuần này là Tuổi trẻ nên mình sẽ viết thiên về anh chàng Allan Karlsson hơn.
Ở tuyến truyện quá khứ khi Allan còn trẻ, tác giả đã lồng ghép các sự kiện lịch sử vào vô cùng xuất sắc. Allan là một người nghiên cứu về bom đạn, và trong thời kì Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, ông đã được gặp và tiếp xúc với rất nhiều những người có vị thế, những nhà lãnh đạo kiệt xuất của các nước trên Thế giới. Allan đưa người đọc đi khắp Thế giới từ những năm trước Thế Chiến Thứ Nhất cho tới những năm Thế Chiến Thứ Hai. Từ Châu Âu cho tới Châu Mỹ, rồi sang Châu Á. Từ Trung Quốc, qua dãy Hi Mã Lạp Sơn sang Iran, Thuỵ Điển, Nga, Pháp, và thậm chí cả Indonesia. Allan có khi đi một mình, có khi gặp những người xa lạ, bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hoá nhưng ông vẫn kết bạn được với họ và tiếp tục chuyến du ký của mình.
Allan phó mặc số phận cho tự nhiên, luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh, không gò bó bản thân vào bất cứ việc gì. Ông cũng không đặt nặng tư tưởng chính trị lên mình, vì vậy mà ông vừa là bạn của Harry Truman vừa được Mao Trạch Đông yêu quý, biết ơn, đến cuối lại được Kim Nhật Thành và Tư lệnh Meretskov giúp đỡ,… Vậy mới thấy được Allan là một người linh hoạt. Chúng ta không nên lúc nào cũng tỏ ra cứng đầu, mà phải biết rằng mình là ai, mình đang ở cạnh ai và mình phải biết ứng xử với họ ra sao để bảo vệ bản thân mình. Và dù trong suốt cuộc đời của ông, ông nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người, nhưng 30% trong số đó là do may mắn, còn lại là nhờ vào bản lĩnh của ông.
Cuốn tiểu thuyết mang giọng văn hóm hỉnh, dẫn dắt người đọc chu du cùng Allan tới những mốc thời gian, sự kiện khác nhau trong quá khứ, tới những nhiều nơi trên Thế giới để chúng ta nhìn rõ hơn về Thế giới xung quanh. Những khác biệt về văn hoá, bất đồng ngôn ngữ, ý thức và những nét khác nhau của những nơi khác nhau trên Thế giới cho chúng ta thấy sự đa dạng của nhân loại trên Thế giới. Cuốn tiểu thuyết cho chúng ta những cái nhìn khác nhau về lịch sử, về sự đa văn hoá. Nhưng nếu ai cần một cuốn sách để giải toả căng thẳng, cần thứ gì đó vui vui thì cuốn sách này thực sự là một sự lựa chọn tuyệt vời!
@Trúc Quỳnh

Trả lời