Tại Tôi
Hồ Biểu Chánh – tên thật Hồ Văn Trung, là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Văn học Việt Nam giai đoạn Giao thời 1900 – 1930. Tiểu thuyết của ông bao quát những mảng hiện thực, những nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ vào những thập niên đầu thế kỷ 20.
Đó là sự tha hóa của con người trước sự lớn lên vùn vụt của đầu óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên vùng đất mới,… Lối viết bình dị, ngôn ngữ gần với lời nói thường ngày là một ưu thế khiến tác phẩm của Hồ Biểu Chánh chiếm được cảm tình đặc biệt của người dân Nam Bộ.
Hồ Biểu ChánhHồ Biểu Chánh(1884–1958), tên thiệt là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.
Ông sanh năm 1884 (trong giấy khai sanh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc ấp Thành Nhất, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang).
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.
Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chánh phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chánh phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 73 tuổi.
Lăng mộ ông hiện nay được đặt ở đường Thống Nhứt, phường 11 quận Gò Vấp.
Khi viết văn, ông lấy tên tự ghép với họ là Hồ Biểu Chánh, trở thành một bút danh bất hủ, được nhiều người biết đến và quý mến hơn tên thiệt Hồ Văn Trung của ông.
Ông sáng tác văn học rất nhiều và để lợi hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác, như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bổn dịch văn học cổ điển Trung Quốc như Tình sử, Kim cổ kỳ quan… đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Tiểu thuyết của ông thuộc về thời kỳ đầu của văn học chữ quốc ngữ, cốt truyện đơn giản, triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành, điểm đặc biệt là rất Nam Kỳ, từ giọng văn đến miêu tả con người. Ông có phóng tác một số tiểu thuyết Pháp.
Hồ Biểu Chánh sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam Kỳ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Cách diễn đạt của ông nôm na, bình dị. Ông đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai. Ông để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch.