…Vài năm gần đây nhiều tập tản văn, tùy bút, công trình khảo cứu mới được xuất bản cùng với những quán ăn, quán cà phê, phim ảnh… mà tên gọi có hai chữ “Sài Gòn” đã tạo thành trào lưu “hoài cổ” về nơi một thời từng là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Những gì mà cộng đồng nhắc nhớ thật ra cũng không cổ xưa quá đâu, chỉ là Sài Gòn của gần một thế kỷ trước, đó là các công trình kiến trúc kiểu Pháp, con đường “cây xanh bóng mát”, bùng binh vòng xoay xe cộ nối nhau chảy qua đêm ngày, gánh hàng rong, quán cà phê… qua ký ức của người sống gần cả đời ở đây hay chỉ mới đến đây vài năm đều thấm đẫm tình yêu với thành phố này.
Không khó để lý giải tâm thức này từ góc nhìn văn hóa – xã hội.
Từ năm 1975 đến nay đã hơn bốn mươi năm, nếu theo cách tính tuổi của thời @ thì có hai thế hệ đã được sinh ra và trưởng thành tại thành phố này. Những thế hệ “di dân” đầu tiên vào thành phố sau biến cố chính trị lớn nhất của thế kỷ XX cũng đã sinh sống ở đây quá nửa đời người. Sài Gòn có lớp cư dân mới thay thế sự thiếu vắng của lớp cư dân cũ đã lần lượt ra đi vì nhiều hoàn cảnh. Từ đó đến nay thành phố thay đổi nhiều về diện mạo và không ít những di sản đã mất đi, nhưng bù lại, ngày càng có nhiều “người Sài Gòn” có nhu cầu tìm hiểu và bảo vệ những vẻ đẹp và giá trị của di sản văn hóa của mảnh đất họ đang sinh sống.
Sài Gòn với bạn là ai? Là người phụ nữ sang trọng trong tấm áo dài tha thướt hay ông công chức lịch lãm bộ đồ Tây? Là bác xích lô niềm nở, chị hàng rong nhẹ nhàng lời mời chào? Là người miền Tây lên hay người vô từ miền Trung miền Bắc? Thậm chí, là “giang hồ” nơi bến cảng chợ búa hay kẻ liều lĩnh cướp giựt trên đường phố? Là nơi thu hút và luôn chấp nhận mọi hoàn cảnh, chia sẻ cơ hội cho mọi người, sau tất cả những phức tạp, bất ổn và cả những nguy cơ, sau cuộc sống gấp gáp ồn ào tựa như “vô cảm” của một đô thành lớn, người Sài Gòn vẫn dung dị bên ly cà phê mỗi sáng, ly bia mỗi chiều, bình thản bên máy tính hay tờ báo ngồn ngộn thông tin, cần thì vẫn lao ra đường làm ăn, khi bị xe của “trật tự đô thị” làm khó thì như chị hàng rong “vui vẻ mà chạy”, và những người mua ổ bánh mì hay ly cà phê vẫn chờ gặp chị để trả tiền và ngày mai họ vẫn ghé mua như thường lệ, để giúp một con người, một gia đình… Sài Gòn có bao nhiêu cuộc đời như vậy.
Sài Gòn có thể là tất cả, một bức tranh đa dạng, sinh động, khó nắm bắt như những lớp sóng của dòng Cửu Long cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mùa nước lớn, để rồi lớp phù sa màu mỡ từ từ lắng đọng nuôi cánh đồng lúa vàng và vườn cây trái ngọt lành…
Với riêng tôi, Sài Gòn như một người đờn ông từng trải, phong cách hào hoa phong lưu nhưng tâm hồn chân tình và đa cảm, dù cuộc đời lúc sang trọng khi nghèo khó “lên xuống” bầm dập nhưng không làm mất đi lòng nghĩa hiệp và nhân ái. Từ mọi vùng miền đến làm ăn kiếm sống và không ít người trở nên giàu có, nhưng nếu ai đó trong số những người “lỡ dĩ” ở lại đây mà không đủ nghĩa tình để nhận ra Sài Gòn là một phần đời mình, chưa đủ yêu thương để thấy mình là một phần của Sài Gòn, chưa đủ mở lòng để thấy Sài Gòn như một quê hương… thì cũng có sao đâu, Sài Gòn không lấy đó làm điều…
Chỉ khi đã đi xa rồi, có người mới nhận ra rằng mình đã gửi lại thành phố một phần trái tim.
Nếu một lần nữa bắt đầu cuộc sống và được lựa chọn nơi mình muốn sống, tôi vẫn chọn Sài Gòn. Vì bạn biết không, chẳng bao giờ là muộn để ta có thể nói với thành phố này: TẠ ƠN ĐẤT LÀNH!
(Trích “Thay lời muốn nói”)