“Nhiều nhà văn trẻ bắt đầu nghiệp cầm bút bằng một tác phẩm viết về chính mình. Những kỷ niệm thời thơ ấu, mối tình đầu, những ước mơ, khát vọng… Đây là điều bình thường bởi vì tuổi thơ ấu là những năm tháng đẹp nhất và thường đi theo suốt cuộc đời.
Nhà văn Bùi Tự Lực đã trải qua những năm tháng tuổi thơ dữ dội, có thể nói, ít người lâm vào những cảnh ngộ éo le như anh. Nhưng cuốn sách đầu tiên của anh, cuốn “Nội tôi”, lại không phải là cuốn sách viết về mình, mà về người bà đã khuất; một người bà ba bốn năm trong một: là bà, là mẹ, là cha, là người dẫn đường, là thần tượng – bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cho nên không có gì lạ khi người bà lại là nhân vật chính duy nhất trong suốt một trăm trang sách đầu tay của anh.
Cháu yêu thương, kính trọng bà là chuyện bình thường, nhưng nhớ ơn bà, tìm cách đền đáo lại là chuyện khác, còn đền đáp bằng cách viết một cuốn sách về cuộc đời bà thì càng khác nữa, không phải ai cũng làm được. Hẳn Bùi Tự Lực phải xuất thân từ một gia đình có căn cốt tốt đẹp, và việc làm của anh là một việc làm của người có văn hoá… Vâng, Bùi Tự Lực là một nhà văn có căn cốt và có văn hoá. Những người vô ơn không bao giờ là người có văn hoá, dù họ là nhà văn, giáo sư hay là ai đi nữa.
Trở lại với hình tượng người bà, Bùi Tự Lực đã kể về rất nhiều chuyện cảm động và đáng khâm phục về người bà anh hùng của mình, ở đây chỉ xin nhắc lại một chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng có sức ám ảnh không nhỏ. Đó là chuyện làm chông tẩm thuốc độc: “Bà nội vót chông khéo lắm, đủ các loại: chông kép, chông đơn, chông ba lá, có cả loại chông có nganh như cái lưỡi câu, vót đến đâu, bà đem xếp hàng trải phơi nắng đến đó”.
“Bà nội để ngay dưới gầm giường một cái ống nhổ, đựng nắm lá rừng đã được vò nát. Bà bảo tôi cứ mối sáng thức dậy, trước khi bước xuống đất, hãy nhổ nước bọt vào đó để bà làm thuốc độc tẩm chông”.
Tôi không biết chuyện nước bọt biến thành thuốc độc thực sự thế nào và thứ nước bọt buổi sáng của người cháu có gì đặc biệt, nhưng khi căm thù biến thành lẽ sống, khi người ta đủ bền gan để chờ tre thành gậy “gặp đâu đánh què” chờ nước bọt biến thành thuốc độc để giết giặc thì sự thật đã biến thành huyền thoại.
Đây là một chi tiết có thật hoàn toàn nhưng lại có tính biểu tượng rất cao.
Hoa chi thơm lạ thơm lùng,
Thơm gốc thơm rễ người trồng cũng thơm
Vâng, một cuốn sách đáng quý từ chính cuộc đời, tấm lòng người viết cho đến những nhân vật, đặc biệt là người bà.”
Trần Đình Nam
Thông tin tác giảBùi Tự Lực
Sinh (1954-2020), quê quán: Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam. Bút danh: Tự Lực, Ngọc Vy. Năm 12 tuổi là chiến sĩ giao liên. Từng làm Hiệu trưởng trường THCS, Phó giám đốc Kho bạc Nhà nước Thanh Khê – Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Văn nghệ Đà Nẵng…
TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN
- Mùa hoa bưởi (Tập thơ – NXB Đà Nẵng, 1999)
- Nội tôi (Truyện vừa – NXB Kim Đồng, 2001)
- Trên nẻo đường giao liên (Truyện vừa – NXB Kim Đồng – 2003)
- Cái ống phóc và trái banh chuối (Tập truyện ngắn – NXB Kim Đồng, 2005)
- Ngôi nhà chỉ một lần mở cổng (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà văn, 2005)
- Nói chuyện một mình (Tập thơ – NXB Hội Nhà văn, 2010)
- Chó hoang (Truyện vừa – NXB Kim Đồng, 2017)
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC
- Giải B truyện vừa Nội tôi – cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện thiếu nhi (1999-2000) của Nhà xuất bản Kim Đồng.
- Giải A truyện vừa Trên nẻo đường giao liên – tác phẩm xuất sắc năm 2003 – Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng.
- Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật TP. Đà Nẵng – lần thứ I (1997-2005) và lần thứ II (2005-2010) của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng.
- Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật đất Quảng lần thứ I (1997-2010) của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
- Giải A truyện vừa Chó hoang – tác phẩm xuất sắc năm 2017 – Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng.