Gia Long là vị Hoàng đế sáng lập Vương triều Nguyễn. Triều đầu của ông có lập Hoàng hậu, nhưng kể từ đời Vua Minh mạng và 10 đời vua kế tiếp không lập Hoàng hậu, mà chỉ lập người vợ cả là Đệ nhất Giai phi mà thôi. Mãi cho đến đời vua thứ 13, tức Vua Bảo Đại, mới lập lại chức Hoàng hậu với Hoàng hậu Nam Phương.
Hoàng hậu Nam Phương là người phụ nữ đầu tiên yêu cầu nhà vua thực hiện đời sống “một vợ một chồng”, nuôi dạy con cái theo thể thức giáo dục của Phương Tây. Bà quan tâm đến giáo dục nước nhà và thế hệ trẻ. Bà luôn bên cạnh nhà vua trong mọi cuộc tiếp đón ngoại giao trong nước cũng như nước ngoài. Bà theo đạo Thiên Chúa, nhưng không dựa vào nhà thờ để tồn tại, nhờ vậy đã làm dịu bớt hận thù cách biệt giữa Triều Nguyễn và đạo Thiên Chúa.
Mùa thu năm 1945, trước tình hình thế giới đổi thay, Bà sớm nhận thức được chế độ quân chủ ở Việt Nam không thể tồn tại được nữa, Bà cùng với Vua Bảo Đại sẵn sàng rời bỏ ngai vàng. Hành động của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương kết thúc thời đạị quân chủ ngàn năm ở Việt Nam một cách êm đẹp, thực sự đã để lại một dấu ấn lịch sử mà càng về sau càng thấy giá trị.
Những năm cuối đời ở Pháp, Bà xa lánh đời sống chính trị, lặng lẽ nuôi dạy con cái, nhưng vẫn giúp đỡ chồng vượt qua những thử thách của thời cuộc và dùng ảnh hưởng của mình để giảm bớt nỗi khổ của dân chúng ở quê nhà. Trong suốt cuộc đời làm Hoàng hậu của mình từ ngày đầu tiên cho đến khi từ giã cõi đời, Bà luôn là bậc Mẫu nghi thiên hạ, sống mãi với sắc đẹp phụ nữ Việt Nam trong trái tim mọi người.