Nhà văn Hồ Đắc Túc, sau những chuyến đi đến Miến Điện, lần đầu vào năm 2009, lần gần đây vào dịp Tết Giáp Ngọ, 2014, đã viết nên cuốn sách “Miến Điện – đất nước hình ngọn lửa”.
(…)
Ông đi trước hết với tư cách một nhà nghiên cứu Phật giáo và một Phật tử thuần thành hướng về một trong những vùng đất Phật vĩ đại: “Tôi ngồi dưới chân tượng [Phật Thích ca] không biết bao lâu, lòng đầy cảm xúc. Phật đã dừng chân nơi đây trong chặng đường hoằng pháp, lúc đó ở đây ra sao?”
Nhờ tác giả có cái thân nhẹ tênh ngồi lâu đến quên cả thời gian và cái trí sâu sắc tự đặt ra cho mình câu hỏi lạnh buốt như vậy mà chúng ta có cả một cuốn sách cung cấp một toàn cảnh về lịch sử Phật giáo ở Miến Điện: từ những câu chuyện có thật như “con đường tới chùa mà phụ nữ Miến bán tóc lấy tiền sửa chữa”, “những cái tháp đại hộ pháp”, “ngôi chùa không thể không viếng Kuthodaw, được coi là Cuốn Sách Lớn Nhất Thế Giới”, đến những huyền thoại như “ngôi chùa Shweyattaw do vua Mindon xây mà tương truyền Phật Thích Ca và A Nan đã đặt chân đến” đến “truyền thuyết nói khi Phật qua bang Arakan (Rakhine) giáp ranh Ấn Độ bây giờ, đệ tử xin tạc tượng bằng vóc dáng thật của ngài để thờ” và “Magway nơi có hai dấu chân của Phật lưu lại, một dưới sông và một trên núi.”
Tác giả đã “lang thang một mình qua hàng trăm hang động, [… và] hiểu hết vẻ đẹp và lịch sử của cụm hang Pho Win với bốn trăm ngàn tượng và hình Phật tạc trong các hang động đủ cỡ dưới và trên sườn núi, chưa kể không biết bao nhiêu là tranh tường (murals) mà hơn một nửa còn nguyên vẹn, không bị phai nhạt như ở Bagan”, đã leo “lên đỉnh đồi Po Kaung viếng chùa Lay Kyan Sakyar, nơi tôn trí tượng Phật cao nhất thế giới.”
(…)
Đi, ai cũng có thể đi. Nhưng để đi xa sâu và gặt hái đầy tay như tác giả, cần phải có một cái la bàn tinh thần đủ nhạy bén và một hành trang nội tâm đủ sốt sắng. Cuộc hành trình này, và đặc biệt là cuốn sách này chắc chắn đã được thực hiện bởi một người khiêm tốn mà thâm trầm, một tâm hồn luôn giữ được sự hồn nhiên dù đã nhiều lăn lộn từng trải trong đời, một ngòi bút vừa tài hoa vừa nghiêm xác.
(…)
“Đây thực sự là cuốn cẩm nang du lịch đầu tiên cho những ai muốn đến Miến Điện, do một người Việt Nam viết ra. Hoặc nếu cần, nó có thể là cuốn sách bạn đường cho những người có khuynh hướng tôn giáo và tâm linh.” (trích Lời mở đầu của nhà văn – dịch giả Mai Sơn)