“Một giấc mộng nồng nàn dệt xe trên gối kẻ thiếu niên.
Lan Hữu cũng chỉ là cái mộng – hay những cái bóng mộng ở trong giấc ngủ tưng bừng của các người niên thiếu. Ở đây, cũng như ở trong các giấc mộng khác của người niên thiếu, người ta cũng vẫn tìm thấy ở trong, cái rộn rực, cái quằn quại, cái bâng khuâng: sự chia ly ở trong tâm hồn, ở trong cuộc đời.
Nhưng mộng đẹp đến đâu, rồi cũng tàn, và chỉ để lại cho người ta một chút thương tiếc ở trong lòng hay đầu lưỡi. Mối tiếc thương ấy, ở văn nhân, thành gần như là một duyên nợ cả đời. Người ta lúc nhỏ ai cũng có một điều buồn não, một chuyện thương tâm. Cái buồn ấy ở một vài người thường thường mỗi năm về một lần… giống như cái cuộc du lịch hằng năm của các con chiên về đất Thánh. Truyện Lan Hữu chính là cái buồn hằng năm của người ta, đã về theo một ngọn gió đầu thu hay cuối hạ.
Lan Hữu cũng là một ngọn gió hằng năm đến gợi dậy ở trong lòng ta những hình bóng âm u của một chuyện cũ – mà ai ai lại chẳng có một câu chuyện như thế…?”
(Trích Lời giới thiệu của nhà thơ Lưu Trọng Lư)
Trích đoạn
Tôi ngậm ngùi mà than tiếc cho nhân cách của tôi, từ khi mắc phải sự trêu cợt của Trẻ tình.
Hữu yêu tôi. Lan yêu tôi. Hai người yêu tôi bằng dạ chân thành. Đáp lại dạ chân thành ấy, tôi đem một tâm địa lừa dối. Trước kia lừa dối Lan, không dám cho Lan biết là tôi yêu Hữu. Bây giờ lừa dối Hữu, không dám cho Hữu biết lòng tôi đã xẻ nửa cho Lan.