Nhưng thật ra già là gì, lúc nào thì già, lúc nào thì chớm già, sắp già, mới già, đã già. Có tuổi nào là tuổi “hườm hườm” chăng? Một người bạn ở tuổi hườm hườm hỏi, sao, ông bác sĩ, ông đã viết nào cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, nào cho tuổi mới lớn, sao không viết một chút gì đó cho tuổi sắp già, tuổi hườm hườm, tuổi xế bóng, tuổi gió heo may đã về xem sao. Tôi lần lữa hẹn. Phải già một chút nữa cho biết đã rồi mới dám viết chớ phải không?
Không như nhà thơ nọ đo tuổi mình qua ánh mắt cố nhân, tôi đo tuổi mình qua cách xưng hô của các bà mẹ bế con đến khám bệnh. Trước đây họ gọi tôi bằng anh, sau gọi bằng chú, rồi bằng bác, và rồi mới đây thôi, một chị hãy còn rất trẻ đưa bé đến khám bệnh, lúc bé la khóc, chị dỗ nín đi, nín đi cho ông ngoại khám con, thì tôi mới biết mình đã lên đến ông ngoại rồi mà không hay. Tôi hỏi theo thói quen chị là gì của cháu, chị trả lời ngon ơ, dạ, bà ngoại. Nhìn ngắm mình, nhìn ngắm bạn bè mình mới bật cười cái “Ôi cát bụi tuyệt vời” mà thầm cám ơn anh bạn nhạc sĩ họ Trịnh đã nói giùm mình nhiều quá. Một người bạn nghe, bảo này đừng có hù dọa người ta đó nghe, đừng làm cho người ta sợ hãi, làm cho người ta thấy ra những sự thật phũ phàng đó nghe… Còn một người bạn khác thì khuyên cứ nói rõ ra, thà biết trước còn hơn, biết trước để chuẩn bị tâm lý và để thích nghi, để điều chỉnh. Phải, chấp nhận, thích nghi, điều chỉnh như dòng sông kia vẫn đứng im mà chảy mãi, biết thích nghi, tự điều chỉnh mình qua bao thác ghềnh để nhập vào biển khơi. Khả năng thích nghi, điều chỉnh ấy là khả năng của một sức khỏe lành mạnh, xứng đáng cho một tuổi già lành mạnh, cho nên, không phải cứ chờ thật già mới viết cho tuổi chớm già, mà ngay giờ đây vừa gậm nhấm nó, vừa rình rập nó, quan sát nó và ghi lại, không phải nó chỉ là mình mà là của tất cả bè bạn chung quanh rồi sắp xếp lại, biết đâu mua vui cũng được một vài trống canh như người xưa đã nói.
Vậy, hỡi những người bạn yêu quí của tôi, xin hãy vui với những dòng chữ chân tình này, và nếu có bực mình thì cứ tự nhủ làm gì có, hù dọa đó thôi.. Còn nếu có bắt gặp hình ảnh chính mình trong những dòng chữ này thì cũng hãy mỉm cười mà thứ lỗi…
Vì sáng hôm nay, một chút gió heo may đã về, những chiếc lá vàng đã rơi lác đác trên những con đường thành phố, một mùi gió bấc quen thuộc đã len vào giữa những hàng cây…
Sài Gòn lập đông, 1996
Đỗ Hồng Ngọc
Bs Đỗ Hồng Ngọc người dành 32 năm tuổi trẻ cứu chữa, dạy học cho hàng trăm nghìn lớp trẻ, tuy đã đến tuổi “hưởng phúc” nhưng vẫn tận tụy truyền lửa cho lớp trẻ qua thơ văn của mình…
Bs Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Bình Thuận. Ông là bác sĩ chuyên khoa Nhi bệnh viên Nhi đồng 1 Tp.HCM, giảng viên trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM đồng thời cũng là nhà văn lớn với bút hiệu Đỗ Nghê.
Với hơn 32 năm chăm sóc, cứu chữa cộng đồng, hiện nay ông đã về hưu. Tuy nhiên, đó chỉ là gác lại công việc cứu chữa trực tiếp trên bàn mổ thôi! Bây giờ, ông vẫn là 1 vị bác sĩ, bác sĩ chữa trị các bệnh về tâm hồn…