Đi rong trên những múi giờ là cuốn sách gồm 19 bài viết về cuộc hành trình khám phá các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục Á, Âu, Phi dưới cái nhìn của một người Mỹ gốc Việt hòa trộn trong mình cả hai nền văn hóa Đông – Tây.
Nét đặc biệt ở cuốn dy ký này là với giọng văn dí dỏm nhưng không kém phần chiêm nghiệm sâu sắc, tác giả khiến độc giả không thôi tò mò, ngạc nhiên, hứng khởi trước từng cánh cửa du quan hấp dẫn, để biết những điều mà có khi google và những tour du lịch không mang lại được. Ví như: Vì sao người Bangladesh múa tay liên tục như một vũ điệu và luôn mang theo vòng nhang? Và vì sao dưới cái nắng đỏ lửa 40 độ, đền Baitul Mukarram vẫn mát lạnh chân trần? Chúng ta sẽ nhìn thấy gì khi đứng ở đường kinh tuyến gốc Greenwich? Đường biên giới ở châu Âu có gì đặc biệt? Đường vào kim tự tháp Kheops để chiêm ngưỡng quan tài của Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập có gì? Công dân số một của Brussels là ai?
Từng chuyến đi rong của tác giả là “từng chuyến lộng lẫy thanh xuân, rực rỡ thanh xuân, nối dài thanh xuân”, đi để thỏa nỗi khao khát tuổi trẻ – cú chạm thật mạnh vào bụi đất của từng xứ sở trên thân thể địa cầu.
Trích dẫn:
Và tôi nghĩ, ước mơ vòng quanh thế giới, từ miền cực Bắc tuyết rơi trắng xóa, đến đồng cỏ xavan khô cằn sỏi đá, sa mạc cát vàng nắng gắt ở châu Phi, đi dọc sông Nile, Amazon, Danube, Mekong xanh trong, ghé Rio de Janeiro với những thân hình bốc lửa, New York đêm dài không ngủ, London trầm mặc bên tiếng chuông tháp Big Ben, Buenos Aires rợp trời phượng tím, rồi Lumbini, Jerusalem, Bethlehem tâm linh khởi nguồn các tôn giáo… đều bắt đầu từ tấm bản đồ và cảm hứng năm xưa của thầy cô. Tấm bản đồ ấy, như một người bạn thiếu thời, nằm trong trí nhớ âm thầm, theo chân tôi không rời nửa bước. Từ trang sách, hình vẽ, quả địa cầu và các bài giảng, tôi hiên ngang đi ra thế giới bằng cái nhìn tò mò, khắc khoải của gã thanh niên ngoài ba mươi với bao chìm nổi, buồn thương.
Hơn 24 tiếng đồng hồ hiếm hoi rảo bước khắp Dhaka, tôi để ý khuôn mặt đàn ông xứ này lúc nào cũng hiện lên nỗi dàu dàu khó tả. Những đôi mắt đen nhánh không thể nào buồn hơn, luôn né ống kính chụp hình, ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó. Tôi nhận ra sự thở than, oán trách cuộc đời của mình trước khó khăn đều trở thành vô nghĩa khi đứng giữa lòng Dhaka rực rỡ. Phải sống, bằng bất cứ giá nào cũng phải vươn lên giữa bần cùng và đói khát là cách mà Abdullah nói với tôi về đất nước yêu quý của mình.