Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron là một trong những cuốn sách có giá trị của người phương Tây viết về Việt Nam, bên cạnh những tác phẩm quan trọng của Alexandre de Rhodes, Cristoforo Borri…
Có một điều đặc biệt là, Samuel Baron không viết về Đàng Ngoài dưới dạng du ký như nhiều nhà du hành hoặc thương buôn phương Tây khác. Đàng Ngoài dưới con mắt của Samuel Baron không phải là một vùng đất ông lướt qua trong một chuyến đi mà những miêu tả tỉ mỉ về xứ sở này với sự phân chia các chương mục rất rõ ràng, đưa ra cả những số liệu cụ thể giống như một công trình khảo sát của một nhà dân tộc chí cho thấy ông rất am hiểu vùng đất này.
Baron viết cuốn sách này nhằm giới thiệu vương quốc Đàng Ngoài với các độc giả người Anh, đồng thời để phản bác lại những điều sai lạc cũng như mâu thuẫn trong tập du ký Relation nouvelle et singulère du Royaume de Tunquin (Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài) của Tavernier. Là con lai, Samuel Baron có mẹ là người bản xứ, cha người Hà Lan – là đại diện cho công ty Đông Ấn Hà Lan tại Kẻ Chợ. Bản thân Samuel Baron sau này cũng là thương nhân nhiều năm sinh sống tại Kẻ Chợ nên những ghi chép của ông có cơ sở để tin cậy. Baron lại có quan hệ thân thiết với phủ Chúa nên có điều kiện tiếp xúc, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống của giới quý tộc cũng như những tập tục sinh hoạt đời thường của người dân vùng kinh kỳ.
Qua tác phẩm của Baron, độc giả ngày nay có cơ hội tìm hiểu về thể chế, luật pháp, tiền tệ, sức mạnh quân sự, phong tục, trò tiêu khiển, lễ tịch điền, tôn giáo, tang lễ, sản vật,… của nước ta vào thế kỷ XVII.
Xứ Đàng Trong được viết bởi linh mục dòng Tên Cristoforo Borri, người thành Milan nước Ý. Cùng với Hải ngoại kỷ sự của hòa thượng Thích Đại Sán và An Nam cung dịch kỷ sự của Chu Thuấn Thủy, Xứ Đàng Trong của Borri là một trong những tài liệu quan trọng và sớm nhất viết về Đàng Trong thế kỷ XVII.
Cristoforo Borri là một trong những giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, lưu trú ở đó 5 năm (1618-1622). Tập ký sự của ông tường thuật khá chi tiết về xứ Đàng Trong: từ quốc hiệu, cương vực, diện tích, khí hậu, đất đai, sản vật… đến phong hóa, tập quán, hành chính, quân sự, thương mại, đời sống tinh thần… của người Việt.
Có những nét đặc thù ở một vài vấn đề trong đời sống An Nam mà chỉ duy nhất Cristoforo Borri mới cung cấp được cho chúng ta, hay ít nhất là ông đã làm rất chi tiết. Cũng chính ông đã nói cho chúng ta về thói quen rửa chân trước lúc vào nhà khi trời mưa, về xông hơi; ông mô tả một cách chân thực những yến tiệc linh đình của hàng trăm thực khách nhân dịp hội làng, ma chay, cưới hỏi hay thăng chức.
Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho độc giả nhiều thông tin quý giá, bổ khuyết cho chính sử của ta một số vấn đề, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam thế kỷ XVII – thời kỳ mở đầu câu chuyện tiếp xúc Đông – Tây và giao lưu văn hóa.