Trong thời điểm có rất nhiều vấn đề về tâm lý học đường đang diễn ra tại Việt Nam, nhằm cung cấp cho giáo viên, phụ huynh những hiểu biết khoa học, chính xác về tâm lý học trường học ở lứa tuổi học sinh – siên viên, nâng cao nhận thức về tâm lý học trường học tại Việt Nam, Anbooks phối hợp với Liên hiệp Phát triển Tâm Lý Học đường Quốc tế (CASP-I) ra mắt Cẩm nang tâm lý học đường (dành cho giáo viên – phụ huynh – học sinh – sinh viên).
Được giới thiệu tại Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế lần thứ VI (1.8.2018 – 2.8.2018) tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cẩm nang tâm lý học đường được xây dựng trên 6 trục nội dung, được sắp xếp theo các nhóm vấn đề thường gặp theo lứa tuổi tăng dần nhắm giúp quý thầy cô và phụ huynh dễ dàng tìm thấy các chỉ dẫn phù hợp với độ tuổi của học trò mình, con em mình. 6 nội dung bao gồm:
1. Giới thiệu các thuật ngữ chuyên môn về tâm lý học đường.
2. Định nghĩa lại hiểu biết về: Chậm phát triển ở trẻ; Khuyết tật trí tuệ.
3. Bổ sung kiến thức về các bệnh – hành vi rối loạn: Rối loạn tăng động giảm chú ý; Rối loạn phổ tự kỷ; Rối loạn học tập.
4. Hướng dẫn cho bố mẹ, thầy cô giáo cách nhận biết về các hành vi của tuổi học đường như: Bắt nạt học đường; Nghiện game, internet và mạng xã hội; Tình yêu tuổi học trò; Các vấn đề về giấc ngủ; Mệt mỏi và các hệ lụy.
5. Đưa ra những phương pháp xử lý phù hợp cho bố mẹ khi rơi vào trường hợp: Là phụ huynh của các em đang là nạn nhân của quấy rối tình dục, xâm hại tình dục.
6. Hướng dẫn thầy cô giáo, bố mẹ đưa ra phương án xử lý những vướng mắc trong mối quan hệ với người bệnh lo âu, trầm cảm, hay những người có hành vi tự gây tổn thương, thậm chí… tự tử.
Cuốn sách ra đời với mong muốn được hỗ trợ quý phụ huynh, giáo viên cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh – hành vi tâm lý học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân từ đó đưa ra phương pháp khắc phục. Cẩm nang cũng cung cấp những thuật ngữ cơ bản chuyên ngành (song ngữ) để thầy cô và phụ huynh dễ dàng tra cứu, đảm bảo tính chính xác – khoa học. Đây là một tài liệu quan trọng cho ngành tâm lý học đường tại Việt Nam tính đến thời điểm này.
Đây cũng là món quà nhân năm học mới mà Anbooks và đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường – thành viên của Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế (CASP-I) gửi tặng đến quý thầy cô, cha mẹ, hy vọng sẽ góp phần cải thiện thực trạng thiếu thông tin khoa học chuẩn xác về các vấn đề tâm lý học đường tại Việt Nam.
Về tác giả:
Nhóm biên soạn Cẩm nang tâm lý học đường bao gồm:
– PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu
– PGS. TS. Trần Thành Nam
– ThS. Nguyễn Thị Phương
1. PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu
– Tốt nghiệp cử nhân Tâm lý – Giáo dục (1994) và cử nhân Giáo dục đặc biệt (2001) tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
– Nghiên cứu và thực hành Tâm lý học đường – Giáo dục đặc biệt tại Hà Lan vào năm 1998; Nghiên cứu và thực hành Tâm lý học đường – Tâm lý lâm sàng tại Trường Đại học St. John’s & Viện Albert Ellis – Hoa Kỳ vào các năm: 2004, 2006, 2007.
– Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Tâm lý học tại Viện Tâm lý học Việt Nam vào năm 2006 và được phong hàm Phó Giáo sư năm 2010.
– Là thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Tâm lý Học đường Quốc tế (IISP); thành viên Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế (CASP-I); thành viên Hội Tâm lý học Nhân cách thế giới (WAPP) từ năm 2017.
– Có kinh nghiệm trên 20 năm giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng và tham vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
– Là chuyên gia tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức và dự án phi chính phủ về trẻ khuyết tật, tâm lý ứng dụng và công tác xã hội học đường như: Uỷ Ban II Hà Lan (KTwee), Vietnam Assistance for The Handicapped, Plan International Vietnam, Medisch Comité Nederland-Vietnam Quỹ châu Á, Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
2. PGS. TS. Trần Thành Nam
– PGS.TS. Trần Thành Nam nhận bằng Tiến sĩ, chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng tại Trường Đại học Tổng hợp Vanderbilt – Hoa Kỳ.
– TS. Nam đã có kinh nghiệm thực hành can thiệp trị liệu tại Trung tâm Behavioral Health Intellectual Disability Clinic tại trường Vanderbilt University (2010 – 2011); Hiệp hội Các nhà Tâm thần học Nashville – Associated Psychiatrists of Nashville (2010 – 2011); Trung tâm thực hành tâm lý tư nhân Joseph McLaughlin (2011-2012); tổ chức quốc tế OPTUM tại Việt Nam (2013 – nay) và các bệnh viện trị liệu tâm lý, tâm thần khác tại Việt Nam.
3. ThS. Nguyễn Thị Phương
– Tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Tâm lý – Giáo dục tại Đại học sư phạm Hà Nội năm 2008.
– Bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên tại trường Đại học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013 (Chương trình liên kết với Trường Đại học tổng hợp Vanderbilt, Hoa Kỳ).
– Cố vấn tâm lý chương trình “Chinh Phục” – VTV6 – Đài truyền hình Viện Nam (2013 – 2014).
– Có 10 năm kinh nghiệm trong can thiệp trị liệu và tư vấn các vấn đề tâm lý học đường cho trẻ em, vị thành niên và cha mẹ.
Về Cố vấn chuyên môn:
– TS. Lê Nguyên Phương là Chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach.
– Từng là giảng viên thỉnh giảng của chương trình đào tạo ngành Tâm lý và Tham vấn Học đường tại Đại học Chapman và Đại học bang California, Long Beach.
– Là chuyên gia tham vấn trong trường phải Liệu pháp Nhận thức Chánh niệm và trường phải Thân Nghiệm.
– TS. Lê Nguyên Phương đã được nhận giải thưởng Thực hành Tâm lý Học đường Quốc tế Kiệt xuất của Hiệp hội Tâm lý Học đường Thế giới (ISPA) và tài trợ của chương trình Fulbright Specialist của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
– Ông là người sáng lập Hiệp hội Phát triển Tâm lý Học đường Thế giới (CASP-I) và là cựu chủ tịch của tổ chức này. Ông đồng thời là tác giả của bộ sách Dạy con trong “hoang mang” xuất bản tại Việt Nam. Trong hơn 10 năm qua, ông là người tích cực vận động cho sự phát triển ngành, nghề và dịch vụ Tâm lý Học đường tại Việt Nam.
Về Liên hiệp Phát triển Tâm Lý Học đường Quốc tế (CASP-I)
Mang triết lý xây dựng ngành, nghề, và dịch vụ Tâm lý Học đường tại Việt Nam và thúc đẩy việc thực hiện chương trình đào tạo, thực hành nghề, và cung cấp dịch vụ Tâm lý Học đường với chất lượng tốt nhất, năm 2009, Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam” [Consortim to Advance School Psychology in Vietnam – CASP-V] từ đó đã được ra đời.
Đến năm 2014, do nhu cầu phát triển việc hỗ trợ xây dựng ngành nghề qua các nước đang phát triển khác, Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam đã được đổi tên là Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Thế giới [Consortium to Advance School Psychology – International – CASP-I]. Tổ chức này được đăng ký là một tổ chức phi chính phủ phi vụ lợi và được miễn thuế có đăng ký tại bang California Hoa Kỳ.
CASP-I mà tiền thân là CASP-V đã lần lượt được lãnh đạo bởi những những giảng viên, chuyên gia, khoa trưởng và Viện trưởng qua từng thời kỳ: Về phía Hoa Kỳ, GS TS Kenneth Curtis (Đại học CSU Long Beach), GS TS Michael Hass (Đại học Chapman), GS TS Robert Clark (Đại học Tâm lý học Chuyên nghiệp Chicago), TS Lê Nguyên Phương (Đại học (Đại học Chapman). Về phía Việt Nam, GS TS Vũ Dũng (Viện Tâm lý học), GS TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Đại học Giáo dục), PGS TS Lê Quang Sơn (Đại học Sư phạm Đà năng). Hiện nay chủ tịch của CASP-I là GS TS Michael Hass thuộc Đại học Chapman.