Review Sách Hay

Yêu dấu- Tác giả: Toni Morrison | Nhã Nam

Yeu Dau Tac Gia Toni Morrison Nha Nam

Nếu có một sự bình chọn cho cuốn sách không dễ đọc, nhưng đọc xong rồi sẽ thấy chẳng dễ gì quên, tôi sẽ dành phiếu bầu của mình cho Yêu Dấu. Câu chữ gai góc, lối kể chuyện đan lồng hiện tại và quá khứ, góc kể chuyện thay đổi nhanh sẽ là thách thức cho những ai chỉ quen với lối hành văn trôi chảy, mượt mà. Nhưng khi bắt nhịp vào câu chuyện, bạn sẽ chẳng nỡ buông rời cuốn sách.
Yêu dấu – có chút hư hư thực thực, nhưng là cái thực đau đớn và dữ dội đến tột độ – là một cuốn sách bóc trần tất cả những đớn đau, kinh hoàng của chế độ nô lệ, của những người da đen. 18 năm rồi kể từ ngày bỏ trốn, những người nô lệ vẫn không thoát ra khỏi sự bạo tàn, ớn lạnh của những ngày tăm tối ấy, nó bám sâu từng ngõ ngách tâm hồn, ngấm vào từng mạch máu và hơi thở của họ
Sethe bỏ trốn khi đang mang thai – bỏ trốn khỏi nơi ở có tên là Mái Ấm – cái nơi mà rất rất lâu sau đó, những người đã ra đi vẫn bàng hoàng khi nhắc đến, nơi ám ảnh tâm trí họ trong từng suy nghĩ, từng giấc mơ. 18 năm trôi qua, những vết sẹo trên lưng Sethe vẫn còn nguyên đó, như một cây anh đào rực rỡ, không còn cảm giác, 18 năm kí ức hằn sâu trong cô về những lần bị xâm hại, những lần bị nhục mạ. Những người da trắng – họ tưởng rằng người da đen chỉ rặt toàn những thứ rác rưởi, không trí tuệ, không tâm hồn, không biết yêu thương? Giá như đó là sự thật, ước gì đó là sự thật để những người da đen ấy không sống trong đau đớn và tủi hổ đến thế. Thế nhưng, nô lệ cũng là con người,cũng biết khát khao, biết yêu thương, biết hi vọng, biết tự trọng, chỉ có điều họ bị chà đạp, họ bị dìm sâu trong tăm tối, trong bùn lầy để rồi sau đó, họ phải dậy nhau cách yêu thương bản thân mình. Nhu cầu sinh lý, cái nhu cầu tối thiểu, hừng hực trong thân thể trai tráng của những người đàn ông đang thời kỳ sung mãn cũng phải kìm nén đến bí bách.Trong khi chờ đợi – cái chờ đợi dài đằng đẵng để có được người đàn bà của mình, họ thỏa mãn với những con bê. Hình ảnh con bê lướt nhẹ qua một vài con chữ nhưng lại khiến người đọc rùng mình, run rẩy.
Yêu Dấu – là chữ khắc trên bia mộ của đứa con gái chưa được đặt tên mà chỉ được nhắc đi nhắc lại bằng hình ảnh đứa bé – đã- biết – bò – rồi – sao mà Setthe đã cứa cổ, để không thấy con rơi vào cảnh đời nô lệ. Để khắc được tấm bia ấy – chị phải đánh đổi bằng chính thứ mình có – đứng dạng chân qua ngôi mộ, dựa lưng vào tấm bia để trả công cho người thợ khắc, đây là hình ảnh mở đầu của cuốn sách, cái mở đầu đầy chua xót và ám ảnh, là chi tiết đầu tiên gây nhức nhối tâm can để mở ra những chi tiết đến tận cùng bi kịch. Ở nơi ấy, những người phụ nữ chẳng muốn nhớ mặt con, chẳng muốn đặt tên cho con vì rằng, chúng cũng sẽ bị chết, hoặc bị giằng lấy và đem đi bán đi. Ở nơi ấy, giá của nô lệ tính bằng khả năng sinh sản, người ta tính giá trị con người bằng việc tính cả giá nhũng đứa trẻ sẽ được sinh ra và bị bán đi…. Ở nơi đó, con người với súc vật được đứng ngang hàng, được đem ra so sánh và nghiên cứu các thuộc tính.
Yêu Dấu không phải là số phận của một con người mà là sự khắc khoải, vô hồn của cả cộng đồng người da đen, của những người đã sống không bằng chết. “Ta có thể yêu thương bất cứ thứ gì ta thích – không cần xin phép mới được khát khao- đó mới là tự do”. Gấp cuốn sách lại, tôi còn chưa hết bàng hoàng…Thế nhưng, Yêu Dấu không chỉ là một màu tăm tối, tình yêu thương, khát vọng tự do, khát vọng tranh đấu luôn tuôn trào mãnh liệt trong Setthe và trong mỗi nhân vật là những mảng màu tươi sáng, tạo nên sự hài hòa trong bức vẽ của Tony Morrison.
Một vài thông tin:
Về tác giả: Tony Morrison là tác giả nhận giải Nobel văn chương năm 1993, bà vừa mất ngày 05/8/2019, Các tác phẩm tiêu biểu xuất bản ỏ VN có: Mắt biếc, Nguồn gốc của ngoại tộc và Yêu dấu
Tác phẩm: Beloved đã đem về choTony Morrison giải Pulizer năm 1988; Nhã Nam có bản dich Yêu dấu, NXB Phụ nữ có bản dịch Thương
Yêu dấu của Nhã Nam do dịch giả Thiên Nga dịch. Tôi cũng đã rất thích dịch phẩm Tiếng kèn thiên nga của cô
@Hồng Khánh

Trả lời