Review Sách Hay

Tuyến Hỏa Xa Ngầm

Tuyen Hoa Xa Ngam
Tác phẩm Tuyến hoả xa ngầm được hai giải thưởng sách quan trọng tại Mỹ là giải sách quốc gia năm 2016 và giải Pulitzer năm 2017.
Nhìn hình tác giả ở bìa sách cũng nghệ sĩ lắm: tóc dài tết lọn nhỏ kiểu người Châu Phi họ hay tết ý.
Tác phẩm lấy chủ đề về vấn đề mâu thuẫn sắc tộc giữa người da trắng và da đen.

Boog không khỏi ngậm ngùi, suy nghĩ, nhiều cảm xúc hỗn độn: cảm thương, rùng mình sợ hãi khi đọc tác phẩm này.
Ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng. Ấy thế mà họ sinh ra mang da màu thôi mà cớ sao lại trở thành nô lệ?
Cora, cô gái thế hệ thứ 3 sinh ra làm nô lệ. Từ đời bà cô đã bị những người da trắng bắt cóc từ lục địa đen Châu Phi đem sang các cánh đồng ở Mỹ để làm nô lệ. Tới mẹ cô và cô cũng được sinh ra và lớn lên để làm nô lệ.
Người da trắng tự cho mình cái quyền chiếm đất, đuổi người da đỏ da đỏ khỏi mảnh đất của họ để mở rộng những đồn điền, bắt những người da đen về làm nô lệ.
Không thể tin nổi là những người da đen bị bắt làm nô lệ không khác gì loài vật. Họ bị bắt cóc từ quê hương của mình, bị bán như một món hàng. Bị đóng dấu sắt nung lên người không khác gì con bò, con lợn. Hàng ngày họ lao động cực nhọc trên các cánh đồng bông, cánh đồng mía, trong các đồn điền. Họ bị roi quất, đánh đập, treo cổ, cưỡng bức, giết chết bất cứ lúc nào. Cuộc sống của họ là một nỗi ám ảnh cho dù được tự do thì nó vẫn là nỗi sợ hãi trong giấc mơ hàng ngày.
Mặc dù biết bỏ trốn nếu bị bắt lại bởi chủ nô, bọn tuần tra hay những kẻ săn nô lệ (mà những kẻ săn nô lệ là nỗi sợ hãi của nô lệ bỏ trốn bởi bọn chúng có thể tóm lại bất cứ nô lệ nào bỏ trốn dù họ có đi tới tận đâu). Chúng quyết tâm bắt lại bằng được những nô lệ bỏ trốn để kiếm khoản tiền thưởng và để cho nô lệ biết rằng họ không thể trốn thoát khỏi chủ nô, để dập tắt ý định bỏ trốn của họ. Mà nô lệ bỏ trốn bị bắt lại thì bị tra tấn khủng khiếp, chỉ còn con đường chết.
Nhưng Cora vẫn quyết định bỏ trốn.
Cora đã bỏ trốn khỏi chủ nô của mình. Trải qua hành trình tìm đến với tự do, được sự giúp đỡ của những người lái tàu trên tuyến hoả xa ngầm mà trên chuyến hoả xa đó họ nói với Cora rằng: “Hãy nhìn ra ngoài trong khi tàu đưa các bạn đi, các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của nước Mỹ”.
Quả thật, không chỉ là những bi kịch của thân phận nô lệ mà Tuyến hoả xa ngầm còn là mâu thuẫn trong chính nước Mỹ.
Có những người da trắng đã đứng lên đấu tranh cho phong trào giải phóng nô lệ. Họ kết hôn, sinh con với người da màu. Và chính họ đã làm nên những đường hầm bí mật, những tuyến hoả xa bí mật để giúp đỡ những người nô lệ bỏ trốn tới vùng đất mà họ được tự do. Nhưng lại cũng có những người da màu lại nhẫn tâm đàn áp đồng bào của mình.
“Colson Whitehead đã vẽ khuôn mặt nước Mỹ bằng màu sắc đối lập: đen rồi trắng, trắng rồi đen, luôn luân chuyển, luôn đảo chiều – có những bàn tay da đen sẵn sàng đàn áp các anh chị em của mình không thua gì bàn tay da trắng và lại có những bàn tay da trắng sẵn sàng chìa ra cứu giúp những nô lệ khốn cùng”
Bằng lối viết đầy cảm xúc, không bị định kiến ảnh hưởng, tác giả chân thành đưa độc giả tới hình ảnh nước Mỹ trong quá khứ nhưng là điều khó dứt bỏ khỏi hiện tại.
Con đường đấu tranh đòi tự do, chống phân biệt chủng tộc còn nhiều gian nan, hy sinh, cần nhiều thời gian để thay đổi nhưng những Tuyến hoả xa ngầm không biết điểm cuối ở đâu đã góp phần vào con đường giải phóng nô lệ, giải phóng người da màu khỏi chế độ khủng khiếp đó, cứu giúp được bao nhiêu nô lệ bảo toàn mạng sống, tới được vùng tự do.
Ngắn gọn lại là quyển này hay. Không phải tự dưng mà nó lại được 2 giải thưởng sách quan trọng đâu.

Trả lời