Review Sách Hay

Tử Cấm Nữ | Tác giả: Lư Tân Hoa

Tu Cam Nu Review

Tử Cấm Nữ là một bài ca đau thương về giới tính. Nơi những cô gái không may mắn bị “phong bế” tìm được đồng cảm, nơi những người ngoài cuộc may mắn hơn nhìn nhận đúng đắn và bao dung cho những kẻ bị gọi là Thạch Nữ.

Nhân vật chính – một cô gái xinh đẹp bỗng chốc cảm giác được cả thế giới sụp đổ. Cô là Thạch Nữ, là mối họa trời ban, là kẻ phải chịu trừng phạt cho tội lỗi kiếp trước.

Đấy là định kiến của người ngoài về Thạch Ngọc. Còn cô, cô chỉ là một cô gái bình thường kém may mắn. Cô sinh ra không toàn vẹn không phải vì cô muốn mình như thế. Nhưng xã hội cũng không tha thứ cho cô. Nó chà đạp lên tự tôn của cô, phỉ báng cô, khinh miệt cô. Nó khiến cô phải bỏ xứ mà đi biệt tích.

Thạch Ngọc và những hoang mang trước giới tính của cô được cho là ẩn dụ về nước Trung Hoa trước thềm chuyển mình hội nhập. Có run rẩy lo lắng, có khát khao mong chờ. Hơn thế các mối quan hệ của Thạch Ngọc cũng được khéo léo lồng ghép những ẩn ý chính trị sâu xa.

Mối tình đầu của Thạch Ngọc – Ngô Nguyên – đại diện cho những kẻ sẵn sàng từ bỏ tất cả để dấn thân. Không tiếc kìm hãm cảm xúc chỉ với mục đích duy nhất là làm trong sạch quan lộ thênh thang sau này. Đường quan lộ anh ta đi quả có rộng mở thật nhưng nó cũng rút mòn đi sinh khí của anh ta. Từ một thiếu niên phấn chấn ngày nào đến khi gặp lại Ngô Nguyên thậm chí không còn khả năng đàn ông đúng nghĩa. Với một Thạch Ngọc đã “khai sông mở đường” anh ta hoàn toàn trở nên vô duyên vô phận. Dẫu cho quá khứ họ đã từng cùng mong ngóng ngày hợp lại bao nhiêu.

Người đàn ông thứ hai trong đời Thạch Ngọc – Dabruce – một anh chàng Mỹ to béo hôi hám trong mắt cô. Anh ta lại là hiện thân cho mối quan hệ ngoại giao rụt rè đầy nghi kỵ lúc bấy giờ. Những từ mà Thạch Ngọc mô tả anh ta hoàn toàn mang ý khinh thị và ghét bỏ, hệt như người Hoa hội nhập với Tây Âu nhưng lúc nào cũng đánh giá họ chỉ là một lũ mọi rợ da trắng.

Thế nhưng Dabruce là một Giấc mơ Mỹ mà biết bao nhiêu cô gái theo đuổi, cho dù chỉ đơn giản là để kiếm tấm thẻ xanh nơi miền đất hứa đó. Từ Thạch Ngọc cho tới Doãn Hoa dù có dùng lý do nào thì họ cũng đã bám vào anh chàng Mỹ Dabruce kia. Anh ta cho họ một mái nhà, một danh phận, một tư cách để bước qua cánh cửa hội nhập.

Thường Đạo – một người đàn ông khiếm khuyết khả năng đàn ông lại tượng trưng cho những gì bị bỏ lỡ của Trung Hoa lúc đó. Giống như Thạch Ngọc mải mê kiếm tìm, không tiếc công tiếc của mở ra “cánh cửa” của một người đàn bà cuối cùng lại nhận ra mình đã sai lầm. Cô đẩy Thường Đạo đi xa mình vì choáng váng trước thiếu sót của cơ thể anh. Trong một lúc cô chưa thể chấp nhận thì anh đã rời xa cô trong im lặng, thứ còn lại chỉ là một bó hoa sinh nhật mỗi năm. Đến khi Thạch Ngọc yêu anh đến không nỡ chia lìa thì anh đã ra đi bởi không thể mang lại hạnh phúc cho cô. Còn cô đã phá hỏng “ổ khóa” của mình, thứ vốn dành để đợi chờ “chiếc chìa khóa” của Thường Đạo.

Trong đời có những thứ đã bỏ qua là vĩnh viễn. Tôi thật sự tiếc cho mối tình của hai con người không trọn vẹn ấy. Giá như cuốn sách thật sự là một câu chuyện được ghi chép lại như lời tác giả nói. Giá như Thạch Ngọc và Thường Đạo là những con người hiện hữu thực sự. Thì tôi mong cho họ sẽ tìm được về với nhau, để bài ca đau thương kia chấm dứt, để những Thạch Nữ khác có được hy vọng về hạnh phúc cho riêng mình.

@Hán Bích Hạnh

Trả lời