Từ trước đến nay, những người phụ nữ được dẫn dắt đi vào thi ca vừa là ca ngợi vừa là thay họ khóc thương; đẹp đẽ, hạnh phúc có; bất hạnh, đau khổ cũng có. Thế nhưng có những người, ta nhìn vào, cận kề trải qua hết cuộc đời họ, vẫn không tài nào phân định rạch ròi được giữa hạnh phúc và bất hạnh. Cái ranh giới đó không hẳn mong manh, vậy mà câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “họ hạnh phúc hay bất hạnh” lại không thể tìm ra. Ta buộc phải ngồi ngẫm nghĩ, nhìn nhận lại từ đầu rằng như nào là bất hạnh, như nào là hạnh phúc, để rồi, có lẽ phải chờ chính nhân vật đó nói ra mới thể hiện rõ được. Và cuộc đời của một người phụ nữ sinh ra trong “Tiếng thét” cũng vậy. Có lẽ cô đã là một người phụ nữ bất hạnh từ lúc sinh ra. Thế mà… Hamanaka Aki vẫn có cách để gieo rắc cái câu hỏi rối rắm đó vào đầu người đọc.
Cánh cửa mở ra cuộc đời của cô là một biển chết lênh láng với xác chết đầy vết thương chằng chịt do kiếm Nhật gây ra của một người đàn ông, hung thủ chưa rõ nhưng nghi phạm chính là người phụ nữ đã báo án sau đó biến mất.
Ở một thời điểm khác sau đó, khi mà những xác chết cô độc như là một hiện tượng thường nhật lúc bấy giờ ở Nhật Bản, lại phát hiện xác chết (thực ra chỉ còn xương trắng nằm rải rác cùng xác lũ mèo) của một người phụ nữ cô độc trong căn phòng kín, được xác định là Suzuki Yoko. Câu chuyện đáng lẽ sẽ dừng ở đây bởi những tình tiết quá quen thuộc ở cái thời kỳ “tỷ lệ ly hôn tăng, tỷ lệ sống độc thân tăng, và cả vấn đề già hóa dân số cũng tăng”, nhưng;
Nối gót theo từng bước đi của nữ cảnh sát Okunuki Ayano, cuộc đời của một cô gái hết sức bình thường nhưng đầy rẫy những bi kịch lần lượt được phơi bày. Sinh ra vào một ngày trời nắng đẹp với cái tên rất phổ thông được bố đặt cho, mọi thứ từ nhan sắc đến học lực, công việc… đều ở tầm trung, lại luôn bị so sánh với cậu em trai đã chết. Có một lúc tưởng chừng như cô đã nắm được hạnh phúc khi gặp lại và kết hôn với mối tình đầu của mình nhưng thật trớ trêu, cuộc đời cô lại bắt đầu rơi vào vũng lầy từ chính sự phản bội của người từng tưởng là “nơi mình thuộc về”. Liên tiếp là lừa gạt, là phản bội, là ruồng bỏ, là lợi dụng, là khổ đau… tất cả dẫn đến cú ngã thực sự đẩy cô đến tận cùng đáy xã hội, đến nỗi mà “tự trọng là gì, có ăn được không?” Nhưng đâu chỉ có vậy. Có lẽ tiếng thét chính là lời đáp trả của Yoko đối với mọi sự xảy ra trong cuộc đời mình, hay là sự khát sống của một người phụ nữ, là đỉnh cao của sự trả thù đời.
Lối kể chuyện dài dòng nhưng không thừa thãi, các chi tiết dù là nhỏ nhất cũng được liên kết với câu chuyện rất mực tài tình: từ con cá vàng chết bị mèo ngoạm mất, đến cái chết của cậu em trai… Quá khứ, hiện tại lần lượt hiện về xen kẽ nhau một cách mạch lạc. Điểm đặc sắc gây dấu ấn của tác giả chính là việc miêu tả diễn biến tâm lý của Yoko song song chính là sự đan xen những suy nghĩ nội tâm của Ayano, cùng với đó là việc lồng vào một loạt sự kiện, vấn nạn của xã hội Nhật Bản, “từ nền kinh tế bong bóng những năm 1990, kỷ băng hà việc làm đầu thiên kiên kỷ, sự bùng nổ của ngành công nghiệp tình dục cho đến trận động đất kinh hoàng ngày 11/3/2011, kèm theo đó là vụ rò rỉ nhà máy hạt nhân”. Một bức màn u tối được tác giả khéo léo gợi lên qua cuộc đời của một người phụ nữ.
Tôi là cô và cô là tôi, à không tôi là tôi và cô là cô. Liệu rằng đến cuối cùng cô đã tìm thấy nơi mình thuộc về chưa? Còn Ayano có đi đến chiến thắng trong cuộc rượt đuổi với kẻ đứng đằng sau mọi chuyện hay không?
Gấp lại cuốn sách điều đọng lại trong mình không phải là những xác chết, những kế hoạch kiếm tiền rùng rợn để lừa tiền bảo hiểm, cũng không phải những u uất của Yoko hay sự máu lạnh của cô mà là sự ám ảnh của một giọng nói luôn gọi tên Yoko từ linh hồn của cậu em trai trú ngụ trong xác con cá ngày thơ bé ấy. Nhưng nó cũng chỉ nhạt nhòa vậy thôi, thứ vảng vất mãi lại là khung cảnh bình yên của tiệm cà phê với không gian màu tím nhẹ nhàng ấy, ôi, thật bình dị, an yên.
@Thương Nguyễn