Review Sách Hay

**~ THẠCH HẦU ~** Tác giả: Jeffery Deaver. Dịch giả: Orkid

Thach Hau Review

Nhóm điều tra của nhà tội phạm học Lincoln Rhyme được yêu cầu hợp tác với INS – Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ để xác định vị trí con tàu Fuzhou Dragon chở người nhập cư bất hợp pháp từ TQ sang Mỹ. Kẻ nhận tiền và chịu trách nhiệm toàn bộ hành trình của dân nhập cư gọi là Xà thủ. Khi đội tuần tra duyên hải sắp tiếp cận con tàu Fuzhou Dragon, Quỷ – Xà thủ trên tàu đã đánh bom chiếc tàu hòng giết chết toàn bộ hành khách + thủy thủ đoàn, bản thân hắn thì trốn thoát ở bờ biển nước Mỹ. Lincoln Rhyme cảm thấy có lỗi với những cái chết thảm khốc đó và quyết tâm lùng bắt Quỷ.
Khá khác biệt với những truyện trước đây, tội ác trong Thạch Hầu diễn ra cả trên tàu lẫn trên đất liền, nên đương nhiên không thể thiếu những đoạn tả cảnh biển động, hoặc đoạn khám nghiệm hiện trường dưới nước. Dù bác Deaver đích thân trải nghiệm cảnh sóng gió hung hiểm trên biển hay chỉ viết bằng tư liệu + trí tưởng tượng thì những đoạn về con tàu thật sự xuất sắc, Biển đọc mà có cảm giác mình đang vật lộn với làn nước dữ dội đục ngầu đó, đang nếm vị mặn chát và nỗi sợ hãi kinh hoàng đó. Để làm dịu đi bầu không khí căng thẳng trong truyện, thỉnh thoảng bác Deaver đưa vào vài chi tiết hài hước hay ho. Tác giả cũng hướng dẫn người đọc kỹ năng lái bè khi biển động: “tìm đúng dòng chảy tự nhiên của sóng, không chống lại nó mà lượn vòng các đáy sóng lớn nhất theo hình ngoằn ngoèo và dùng những con sóng đang hướng vào bờ để tăng tốc”.
Thạch Hầu có sự kết hợp văn hóa Đông – Tây, có nhiều đoạn về đông y, về cân bằng âm dương, về sự hài hòa trong cuộc sống. Tự dưng Biển nghĩ dù phương Tây không phổ biến các lý thuyết về Khổng Tử hoặc Lão Tử nhưng nhìn chung trên cả thế giới, nơi nào có sự hài hòa và trung dung diễn ra thì cuộc sống nơi đó đều tốt đẹp: khi con người sống tử tế bao dung với nhau, với động vật, với thiên nhiên…thì mọi thứ sẽ được duy trì và phát triển trong sự an yên.
“Anh dành thời gian để tìm đúng bức tượng Phật vừa ý. Anh chọn một bức tượng mỉm cười vì, dù ngày mai anh sẽ giết một người và bị giết, thì một bức tượng Phật tươi cười sẽ vẫn mang lại sự thoải mái và an ủi cùng vận may bất tận cho gia đình mà anh sẽ bỏ lại sau lưng”.
“Chân lý không bao giờ thay đổi nhưng con đường đi tới chân lý lại thường là một mê cung mà mỗi người chúng ta đều phải vật lộn để tự tim ra hướng đi của mình”.
Nhà tội phạm học Lincoln Rhyme đã bị tổn hại cột sống trầm trọng sau một vụ án, thay vì buông xuôi tất cả và trở thành một người tàn tật sống nhờ trợ cấp XH, anh vẫn kiên cường tiếp tục công việc điều tra phá án trên một chiếc xe lăn tối tân, cùng với sự cộng tác của những đồng nghiệp mẫn cán. Cộng sự kiêm người yêu của anh là Amelia Sachs vẫn xinh đẹp, can đảm và liều lĩnh như mọi khi, sẵn sàng xông pha gió bão để khám nghiệm hiện trường rộng 2,5km vuông hoặc sâu 30m. Đặc biệt trong truyện này có ba nhân vật người Hoa đáng chú ý là Trương Cảnh Tử, John Tống, và bằng hữu của Quỷ. Một trong ba nhân vật này đã nói với Lincoln những lời khiến Biển sửng sốt và phải nhìn lại bản thân mình. Thật thú vị khi trong một quyển trinh thám mà ta lại đọc được những câu nói thấm thía đến thế về tâm lý con người và triết lý cuộc sống. Bác Jeffery Deaver lại thành công với quyển Thạch Hầu rồi.
Hầu hết nạn nhân trong cuốn này là những người TQ nhập cư bất hợp pháp sang Mỹ, bị thao túng và bị truy sát bởi Quỷ – tên Xà thủ. Do nói về vấn đề nhập cư nên tác giả cũng đi sâu một chút về khía cạnh chính trị và đạo đức của việc nhập cư bất hợp pháp, đồng thời miêu tả khá rõ diễn biến tâm lý của những người trong cuộc. Được một người bạn tử tế chưa gặp mặt bao giờ tặng ebook tiếng Anh “The Stone Monkey”, ban đầu Biển định cố gắng đọc song ngữ để tìm kiếm những đoạn bị cắt bỏ do kiểm duyệt, nhưng đến chương 10 thì Biển đuối quá nên đọc bản tiếng Việt luôn! “Con khỉ đá” trong truyện là một yếu tố rất thú vị nha, khi thấy nó được đề cập đến lần thứ hai thì Biển linh cảm nó sẽ liên quan đủ thứ, đồng thời cũng thử đoán mò một chút, kết quả là Biển đoán đúng hehe.
Lúc nhìn bìa sách bản tiếng Việt của cuốn Thạch Hầu, Biển có cảm giác không-muốn-đọc(!), nhưng khi đọc sách thì ta đọc nội dung chứ đâu chỉ nhìn chằm chằm vào bìa, hơn nữa Biển đã nhiều lần mua sách vì bìa đẹp để rồi bị rơi xuống vực sâu thất vọng rồi. Khi nhìn bìa của Thạch Hầu, Biển không nhìn ra con khỉ mà nhìn ra con dế hoặc một loại côn trùng nào đó. Tổng thể sách được chăm chút kỹ, trình bày đẹp, không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn. Biển xin gửi lời cảm ơn đến dịch giả Orkid đã chuyển ngữ quyển này một cách hoàn hảo, dịch phiên âm tiếng Hoa trong tiếng Anh sang từ Hán Việt thật không dễ, ngoài ra sách có rất nhiều đoạn viết về lý thuyết đạo Lão, khi dịch chắc phải tra cứu rất vất vả. Với những ai là fan của Jeffery Deaver, Thạch Hầu là một quyển trinh thám không thể bỏ qua.
@Cáo Biển Non Xanh

Trả lời