Tiểu thuyết Sự bất tử của Kundera đã tạo một phong cách, một dấu ấn riêng của tác giả và cũng là điểm khởi đầu cho một tương lai phát triển của tiểu thuyết. Tác phẩm độc đáo, mới mẻ khẳng định tầm cỡ của ông. Điều này giống như Proust đã viết: “Mỗi nhà văn buộc phải tạo một ngôn ngữ riêng, cũng như mỗi nghệ sĩ violon phải có được tiếng đàn không thể lộn lẫn”. Sự bất tử là một bản giao hưởng ngôn từ, là một trò chơi kỳ vĩ, là nơi hội tụ của nhiều thể loại, nhiều quan niệm thẩm mỹ. Kundera đã chứng minh cho mục đích của ông cũng như mọi nghệ sĩ chân chính khao khát: “thứ nhất, chỉ nói những gì chưa nói ra, thứ hai luôn luôn tìm kiếm một hình thức mới”.
Cuốn Sự bất tử đơn giản về cốt truyện nhưng là thách thức nếu người đọc tìm đến nó với mong mỏi có một câu chuyện giật gân. Kundera không dẫn người đọc đến một sự hợp lý nào (logic) trong hệ thống nhân vật và các hành động của họ. Những nhân vật không đấu tranh với ai ngoại trừ sự tồn tại của chính họ.
Kundera chọn phần một – Khuôn mặt – là phần hư cấu, bắt đầu với cuộc đời nhân vật Agnes – một phụ nữ ngoài sáu mươi tuổi ông nhìn thấy ở hồ bơi. Những nhân vật tiếp theo ra đời dựa trên Agnes: em gái Laura, chồng Paul, con gái Brigitte, bố và mẹ. Bởi Agnes là nhân vật hư cấu, bố mẹ của cô ấy được sinh ra sau.
Ở phần hai – Sự bất tử, Kundera viết về đại thi hào Goethe – một nhân vật không hư cấu. Goethe xuất hiện trên trang viết như một khách mời với lý lịch trích ngang. Nhưng cũng vì “mời” Goethe tham gia vào một cuốn tiểu thuyết chứ không phải tiểu sử, Kundera tạo ra cho những sự kiện có thật trong đời Goethe (hoặc được ai đó trong lịch sử ghi lại là đã xảy ra trong đời đại thi hào Đức). Không chỉ với Goethe, ở phần sau, Kundera tiếp tục mời gọi những tên tuổi huyền thoại khác. Những nhân vật huyền thoại ấy đều hiện lên như những con người, không có lớp màng huyền thoại bao quanh, mọi động cơ (hư cấu) đều đến từ tình cảm và nhận thức cá nhân của họ.